Đèo con đi khắp diễn đàn

Gia Đình

Sự Độc Ác của Người Lớn và Trí Nhớ của Đứa Trẻ Con

Tôi sinh ra những năm 8X đời đầu trên vùng đất kinh tế mới Cao Nguyên Đaklak. Những năm tuổi thơ là những năm cuối thời bao cấp, người lớn bảo đó là thời khốn khó nhưng trong ký ức tôi nó vốn bình yên.

Vì ba mẹ đều là thanh niên đi kinh tế mới nên đám nhóc tụi tôi cũng san sát tuổi nhau. Lúc đấy mỗi lần ba mẹ đi làm cả đám đều được đem theo và chơi cạnh nhau. Lúc cạnh những chuồn heo, lúc bên cạnh những đám cỏ lau, lúc thì ngoài xưởng và cũng có khi đều ở đầu xóm cùng chơi và canh nhau. Đói thì chui vào nhà bằng lỗ chó sau bếp, ăn cơm nguội chấm muối ớt rồi lại chui ra đi chơi.

Cũng không biết tôi sinh ra có phải niềm hạnh phúc hay không? Nhưng kể từ khi tôi nhận thức và ghi nhớ đươc thì hầu như đều là nước mắt. Cứ về nhà có ba mẹ thì trong nhà luôn là tiếng bạo hành ba đánh mẹ, tôi luôn ngồi góc nhà sợ hãi chứng kiến có bữa thì máu me, bữa thì đồ đạc xáo trộn, bữa thì chén bát xoong nồi tứ tung nát bét… tôi đã chạy đi tìm hàng xóm quỳ xin họ cứu mẹ mình nhưng không ai để tôi lọt vào tầm mắt. Là họ dửng dưng hay là họ độc ác, tôi không biết. Chỉ khắc sâu trong tâm trí tôi cái nhếch mép cười hay ánh mắt khinh miệt mỉa mai.

Câu chuyện bạo hành của ba mẹ kết thúc là khi mẹ bầu em và ba đi rừng. Ông đi rồi ít về sau thì không về nữa. Ông xây dựng gia đình mới và cho đến năm tôi lớp 11 thì năm nào cũng có ghé về nhà đôi ngày nữa tháng… nhưng cũng không êm đềm vui vẻ gì cho cam.
Từ đó vô tình hay cố ý, chị em tôi thành những đứa trẻ không cha bên cạnh bà mẹ đơn thân. Vốn cũng không phải là hiểu chuyện, như bao đứa trẻ khác vẫn tôi vô tư gương mắt nhìn mọi thứ, nhưng tôi ghi nhớ. Mọi chuyện tôi ghi nhớ vậy, lúc đẩy tôi không hiểu lắm nhưng nó cứ ở đấy dù khó hiểu hoặc ấm ức tổn thương, tôi mặc nhiên mang nó vào đời.
Tôi nhận ra kẻ độc ác nhất không phải bà phù thủy trong câu chuyện cổ tích, không phải Lý Thông, cũng không phải Cám. Độc ác nhất lại chính là người lớn. Người lớn đối đãi với trẻ con bằng cách nhìn cha mẹ chúng, nhìn vào hoàn cảnh chúng, người lớn luôn dạy trẻ nhỏ phải công bằng nhưng bản thân họ lại hành động rất khập khiễng.

Tôi không nói đến quan hệ họ hàng ở đây, nhưng cùng là đám nhóc trong xóm người lớn lì xì tết cho đứa trẻ dựa vào cha mẹ đứa trẻ thế nào, gia cảnh ra sao. Người lớn vô tư diễu cợt những đứa bé không may mắn như con họ như đúng rồi, những tiếng cười cợt nhã, những câu nói về cha mẹ như điều đương nhiên. Hành động với đứa trẻ không có tự vệ cũng như sự bảo vệ như một điều chân lý. Tôi đã ghi nhớ những điều mà lúc ấy không hiểu tại sao lại vậy.
Có lẽ vì vậy khi trưởng thành và bước đi tôi rất ít khi trở về nơi ấy, vì ở đấy tôi mang nhiều tổn thương. Những người lớn năm ấy cũng lần lượt về với tổ tiên, nhưng sao đó tôi vẫn không thích về nữa. Không dám thay đổi suy nghĩ mọi người, cũng không dám nói đến chân lý này kia. Tôi chỉ là đang cố gắng sống theo quan niệm, điều bạn không muốn ai đối với bạn thì bạn sẽ không đối với ai như thế.

Đối với một đám trẻ con, nếu nhắm cho được đồng đều tôi sẽ cho, nếu nhắm không được tôi sẽ gằng mình lại. Dù ghét cha mẹ chúng đến thế nào, tôi vẫn đối đãi chúng như 1 cá thể riêng biệt không liên quan. Mọi hành động tương tác nói chuyện, tôi luôn xem chúng như một cá thể độc lập được tôn trọng. Cũng không dám nói lời vô tư như đám bạn vì tôi sợ chúng chưa kịp hiểu và tổn thương. Vì hôm nay chúng chưa hiểu câu đùa cợt ấy nhưng tôi biết chúng sẽ nhớ như tôi đã nhớ những lời người khác nói với tôi lúc bé. Tùy theo hoàn cảnh mà suy nghĩ hình thành nên cách nhìn khác nhau không hay cho chúng.

Đối với con mình, hầu như tôi không dám gây nhau với chồng trước mặt chúng. Mỗi lần vợ chồng giận nhau hay tức nhau vợ chồng tôi đều nhắn tin cho nhau dù đang ở nhà. Nhắn tin chửi nhau luôn ấy, nhưng đều qua tin nhắn. Chả thế mỗi lần hai vợ chồng giỡn nhau hay tranh luận công việc khá lớn tiếng – nhưng thực chất rất vui vẻ – nó lại nói ba mẹ đang cãi nhau. Giải thích cho tụi nó cũng khá mệt.

Đừng cho rằng con nít không biết gì, đừng cho rằng kệ đi nó biết gì mà dửng dung xem thường. Chúng là một đưa trẻ và sẽ là một người lớn. Cũng xin đừng làm một người lớn độc ác, hãy cho một thế giới trẻ thơ niềm vui đúng nghĩa với chúng, bởi dù hoàn cảnh thế nào, tụi trẻ đều vô tội. Chúng không có quyền được chọn cha mẹ và gia đình để sinh ra và cũng không được chọn hoàn cảnh để lớn lên, nên hãy yêu thương chúng với những gì người lớn có thể. Để thế giới bớt đi những tổn thương. Để người lớn sẽ có những ký ức thật tốt đẹp!

Bài được Đề Xuất